Conversations.

Dạo gần đây, khi ngồi nhẩm lại những thứ mình đã học được trong suốt tuổi 28, những điều lớn nhất nhất đều đọng lại trong những cuộc đối thoại rất khác nhau, với những người rất khác nhau, với người thân, với người thân lâu ngày không gặp, với những người bạn cũ, với những người bạn mới mà như gặp từ lâu, với mentor, với advisor, với bạn gái, và thậm chí với những người rất random.


Công: Em nghĩ 3 điều lớn nhất em sẽ làm trong năm tới sẽ là làm việc thật tốt, học thật nhiều, và điều cuối cùng nghe hơi lạ, nhưng có lẽ em sẽ bắt đầu dành x% thu nhập của em cho từ thiện, dù chưa biết là làm gì. Cũng giống như cách em học về investment, charity là một thứ khó hơn, và em muốn học nó từ từ.
Mentor: Oh, thú vị đấy! Điều này thực sự rất cảm động. Nó làm tôi nhớ đến tôn giáo


Người bạn mới: Cậu có để ý, tại sao đến càng nhiều tuổi người ta càng ý thức được việc để lại legacy hơn không ?
Công : Thực ra điều đấy cũng là tự nhiên. Khi nói đến những thứ tồn tại mãi, người ta hay nhớ đến những công trình, những phát minh, nhưng ít ai nghĩ đến chiếc túi nilon mà mọi người vứt ra ngoài đường, lại tồn tại lâu hơn tất cả những thứ trên. Tớ nghĩ cậu không cần phải làm gì quá to tát, có những thứ đơn giản hơn, như kiểu cậu chỉ cần truyền đạt những giá trị sống con người của cậu tới thế hệ sau như con cháu của cậu là được.

Bạn mới: Thú vị đấy !!

Công (tiếp): Việc làm ấy, cũng giống như túi nilon, len lỏi qua thời gian, mà tồn tại sẽ lâu bền hơn.

Bạn mới: Những thứ ấy liệu có truyền được qua vài thế hệ ? Vì thế giới về sau sẽ rất khác.

Công: Tớ cũng không chắc, nhưng cậu có để ý những thứ cậu làm, tính cách cậu hình thành, đôi lúc độc lập với bố mẹ nhưng lại cuối cùng có rất nhiều điểm tương đồng với bố mẹ cậu. Tính cách có thể định hình từ bên ngoài, nhưng biết đâu, nó còn có thể định hình từ bên trong nữa. Có thể hầu hết tính cách của cậu bây giờ đều không do cậu lựa chọn mà go gene (hay thứ gì đó tương tự) của cậu quy định rồi, mà tính cách định hình giá trị sống của cậu rất nhiều.

Bạn mới: Thế thì tớ chỉ cần đẻ con là xong ha :)). Nhưng nếu như thế, những gì tớ làm bây giờ, thậm chí những gì tớ đạt được, lại không phải do tớ mà là do gene của tớ, thật không thích chút nào.

Công : Cười :))
…. pause một lúc, để gắp mì …


Công: Ôi, em mới đọc cuốn này hay lắm(không phải sapiens đâu các bạn) , nó giải thích là con người từ lúc bắt đầu biết săn bắn tới giờ mới được 10000 năm, tức là 500 thế hệ, từ rừng rú biến thành nơi như bây giờ, nên để luận giải tâm lý, tính cách của con người thì nên approach từ cuộc sống sinh tồn săn bắn…

Anh bạn: (bẻ lái vcd) Nhưng em có tin là con người tiến hoá theo cách như vậy ? Anh không tin vào thuyết tiến hoá.

Công: Em vẫn chưa hiểu, em chỉ đang nói về tâm lý học thôi!!!

Anh bạn: Well, em hãy nhìn xem, hãy nhìn tới tất cả sự phức tạp của con người, nếu từ một sinh thể đơn bào, tiến hoá đến như bây giờ qua bao nhiêu triệu năm, thì phải trải qua cực kì nhiều sự đột biến. Trong số hàng trăm tỉ người đã từng sống, em đâu có nhìn thấy super human nào ?

Công: Em hiểu. Cho nên theo ý anh nếu như con người được tạo ra, thì assumption của bộ môn kia chưa chắc đã ổn.

Anh bạn: Chính xác.

Công: Interesting, nhưng ngược lại, đã từng có người cố gắng chứng minh bằng toán học là xác suất để tạo ra một thế giới như này là impossible, và suy ra là có người tạo ra thế giới. Nhưng mà bộ môn đấy bị xếp vào là Nguỵ Khoa Học anh ạ, em lại không đủ mối quan tâm để tìm hiểu sâu hơn. Tuy nhiên em vẫn đồng ý, là để tạo ra được thế giới phức tạp như bây giờ cho dù là cố tình hay may mắn thì đều là một điều kì diệu.

Bệnh nghề nghiệp

Dạo gần đây mình có một số dấu hiệu của bệnh nghề nghiệp. Để mình kể cho các bạn nghe một chuyện. Hôm ấy mình cùng gia đình bác đi về quê chơi, mình ngồi ghế sau nghịch điện thoại, bác và ông cậu lái xe ghế bên trên. Lúc qua đoạn cao tốc Hà Nội- Ninh Bình thì xe dừng ở trạm thu phí:

– Xe của anh hết 65 ngàn tiền vé

Ông cậu mình đưa tờ 200 nghìn ra, chờ trả lại tiền.

– Anh có mười lăm(15) nghìn không?, hoặc năm (5) nghìn cũng được.

Cậu mình lúc bấy giờ chỉ có tờ tiền 5 nghìn, đưa cho bạn nhân viên soát vé , bạn nhân viên soát vé trả lại tiền:

– 150 nghìn của anh đây.

Khoảng mấy giây sau, mình buột miệng:” Ơ , sao bạn nhân viên lại đưa thừa 10 nghìn nhỉ” . Mọi người trên xe ngồi nhẩm lại thử thì đúng là bạn đó đưa thừa mười nghìn thật, xe đã đi quá xa để trả lại.

Vấn đề là mình đã nhận thức được sai sót của bạn nhân viên kia, mà không hề chủ động tính toán tí gì, lúc đoạn hội thoại diễn ra, mình còn đang mải nghịch điện thoại ở ghế sau. Việc tính toán giờ đã xẩy ra trong tiềm thức, việc mình nghe thấy một phép cộng trừ sai, y hệt như việc nghe thấy một người nói ngọng hay là nói sai ngữ pháp, sai chính tả vậy. Đúng là hàng ngày phải làm việc với số má nhiều cũng tai hại, vì nếu đầu óc để tâm nhiều những chuyện tính toán cộng trừ linh tinh kia thì tốn não chết đi được, phải sửa ngay, nếu không sẽ không còn não nghĩ những chuyện hay ho hơn.

Hôm bữa, mình có may mắn được đi ăn tối với bác Tổng Giám Đốc phụ trách Nghiên Cứu. Kinh nghiệm của mình mỗi lần đi tiếp khách là phải hỏi thật nhiều, hỏi thật hay, để họ còn trả lời còn mình thì ăn được nhiều. Nhưng khổ nối lần này, nghĩ mãi chẳng được câu gì hay, vì cơ bản đầu óc còn để lại văn phòng bởi có mấy việc làm mãi chưa xong. Nhưng chả lẽ ngồi tiếp khách mà mình lại chỉ chúi đầu vào đĩa chả mực thì không ổn, nên bèn hỏi:

– Này bác, bác lần này đi khắp các nước, có Researcher nào hỏi câu nào hay hay không thì cho cháu nghe với ?

Bác suy nghĩ 1 chốc lát, trong lúc ấy mình đã kịp chén miếng chả mực đầu tiên, rồi bảo:

– Câu hỏi hay đấy, bác nhớ có một người hỏi như thế này. “Công ty mình vừa có yếu tố tài chính, cũng vừa có yếu tố công nghệ, thế vậy rốt cục công ty mình là công ty công nghệ, hay công ty tài chính ?”.

Có người buột miệng “Fintech” ,thật ra suýt nữa mình cũng buột miệng là Fintech nhưng mà đang ăn dở miếng xá xíu nên không tiện nói. Mình đáp lại:

– Không phải, Fintech là một nhóm các công ty hoàn toàn khác. Thật ra mình chẳng cần tự gọi công ty mình là gì cả, mình ở trong thị trường, làm những việc cần phải làm để vượt trội, để kiếm ra tiền. Tài chính hay Công Nghệ suy cho cùng cũng chỉ là cái tên mà thôi.

Đúng là có tí thực đã vực được đạo, chỉ trong vòng 2 miếng chả mực, và 1 miếng xá xíu mình đã có thể nghĩ ra những lời lẽ đầy triết lý. Bác cũng gật gù:

– Đúng vậy, chúng ta đã ở đó trước làn sóng , và sẽ còn lại sau làn sóng đó. (We been there before the hype, and will be there after the hype).

Khi quay về lại văn phòng, mình lại nghĩ thêm, những thứ người khác nghĩ về mình, cho dù có là gì, xấu hay tốt như thế nào,đúng là không quan trọng bằng việc mình phải tự hiểu mình cần làm gì, muốn gì. Nhất là lời chỉ trích, hay lời khuyên của những người không có stake gì với mình, lại càng nên bỏ ngoài tai.

Chuyện decision making có người bảo là không có đúng sai, thật ra chỉ là lời trốn tránh của những người lười tranh luận. Decision making có đúng, và có sai, nhưng đúng sai lại mang tính thời điểm, và tuỳ vào nhãn quan của người đánh giá nó nữa. Lấy ví dụ những chuyện đúng như mặt trời là chuyện ngày xưa mình chọn học Ngoại Thương đi, thì đến bây giờ vẫn thi thoảng tự lầm bầm với mình là sao hồi xưa không học xừ Bách Khoa, để bây giờ đỡ phải thức đêm thức hôm vừa google vừa code.

Hôm nay, bắt xe grab về lúc 11:55 tối, vừa lên xe anh lái xe đã thốt lên:” Cám ơn anh, nhờ có anh mà em mới đủ ngọc cho ngày hôm nay, nếu không thì em mất trắng 90 nghìn”. Mình tự nhủ, thế thì từ mai sẽ chăm bắt xe lúc 11:55, có khi lại đem lại niềm vui cho vài bạn lái xe grab đang tuyệt vọng.

Blue Eyes Puzzle, Common Knowledge, và tại sao bản quyền bóng đá lại đắt như vậy?

1- Blue eyes puzzle:

Có một bài toán đố được mệnh danh là bài toán đó khó nhất trên đời, đó là bài toán đố về những con người có mắt mầu xanh, nội dung bài toán đố như sau:

Câu đố:

Ở một thế giới khác, nền khoa học kĩ thuật loài người do quá phát triển, con người phát minh ra những vũ khí khủng khiếp, chiến tranh nổ ra và phá hoại gần như toàn bộ thế giới. Chúa trời quá tức giận khi nhìn thấy cảnh này, bèn tìm cách trừng phạt loài người. Ông đem hết tri thức nhân loại, gửi gắm vào 201 người thông minh tài giỏi nhất, và nhốt tất cả họ vào một hòn đảo, sống biệt lập với loài người. Từ khi tri thức nhân loại biến mất, cuộc sống của con người quay về thời đồ đá, rất khổ sở. Cách duy nhất để cứu vớt họ, là phải có ít nhất một trong số 201 người tài giỏi, này thoát ra và chỉ dẫn cho họ.

Tuy nhiên, hòn đảo chứa 201 người này bị phù phép, nó ban cho 201 người này cuộc sống vĩnh cửu, nhưng lại lấy đi mất trí nhớ của họ. Họ không ai nhớ mình tên gì, hình dáng ra sao, quá khứ của mình như thế nào, tuy vậy họ vẫn là những người thông minh tột đỉnh, với trí nhớ tuyệt vời.

Để cho nhân loại một cơ hội, chúa trời đã nói với 201 người trên đảo rằng, mỗi đêm, cứ đúng 12 giờ, sẽ có một con cú thần đậu ở bờ biển, nếu người nào tới gặp cú thần, nói đúng mầu mắt của mình, cú thần sẽ cho họ rời khỏi đảo, và quay về với thế giới loài người. Tuy nhiên, mọi sự oái oăm ở chỗ, mỗi thứ gương họ soi, đều bị ảo ảnh che đi mất mầu mắt thật.Tất cả mọi người đều có thể nhìn được mầu mắt của người khác, tuy nhiên, bất cứ ai tiết lộ thông tin về mầu mắt của người khác đều phải đối mặt với cái chết ngay lập tức.

Trên đảo, trong số 201 người, có 100 người mắt mầu đen, 100 người mắt mầu xanh, và một cô bé gái nhỏ tuổi nhất tên Guru có đôi mắt mầu đỏ.

201 người thông minh, trải qua cuộc sống trên hòn đảo năm nay qua năm khác, họ biết được mầu mắt của tất thảy những người khác trên đảo, trừ mầu mắt của mình, tuyệt nhiên chẳng có ai thoát ra được khỏi hòn đảo đó.

Vào một ngày, cô bé Guru quyết định gọi tất cả mọi người lại, và nói một câu rất to:

  • Tôi thấy có người có mắt mầu xanh !!!

Vừa dứt lời, Guru đã lăn đùng ra chết, để lại mọi người thảng thốt trong sự bất ngờ.

Một thời gian sau, loài người đã khôi phục được văn minh nhờ kiến thức đem lại từ người tài giỏi. Nhưng có một điều vẫn không ai lý giải được, họ thoát ra hòn đảo đó bằng cách nào , và có bao nhiêu người trong số họ đã thoát ra, và bao nhiêu vẫn còn trên đảo ?

Bạn nào muốn thử giải thì có thể chưa cần đọc vội phần dưới đây, nhưng sau đây là lời giải cho câu đố vừa rồi :

Lời giải:

Giả sử hòn đảo ban đầu chỉ có một người mắt mầu xanh:

  • Khi Guru nói rằng, có nhìn thấy người có mắt mầu xanh lục , thì ngay lập tức đêm hôm đó, người có mắt xanh sẽ biết được Guru ám chỉ mình, và sẽ ra chỗ con cú để thoát ra khỏi đảo.

Giả sử hòn đảo ban đầu có 2 người mắt mầu xanh:

  • Khi nghe câu nói của Guru, cả hai người đều không nghĩ là mình có mắt mầu xanh, vì họ đều nghĩ là người còn lại mới đáng ra là người Guru ám chỉ. Tuy nhiên sau đêm thứ nhất, cả 2 người đều vẫn thấy người kia ở lại trên đảo. Họ sẽ suy ra còn ít nhất một người nữa mắt mầu xanh trên đảo, và họ sẽ suy ra đó là mình. Như vậy đêm thứ 2 sẽ có 2 người rời đảo.

Giả sử hòn đảo ban đầu có 3 người mắt xanh:

  • Họ sẽ suy luận y hệt trường hợp 2 người, và sẽ biết được mầu mắt của mình vào ngày thứ 3, và ba người sẽ rời khỏi đảo cùng nhau.

Mọi suy luận cứ tiếp diễn cho đến trường hợp có 100 người mắt xanh. Đến đêm thứ 100, tất cả 100 người mắt xanh đều cùng nhau rời đảo, và mang theo cả nền văn minh nhân loại.

Vậy đấy, câu đố vui mệnh danh là khó nhất trên đời là như vậy.

2- Common Knowledge

Không biết mọi người có phần nào hụt hẫng, và thất vọng về câu đố được cho là “khó nhất” không, vì lời giải chắc cũng khá lãng xẹt. Nhưng có một câu hỏi mở rộng câu đố này mới là thứ thực sự làm cho câu đố trở nên nổi tiếng. (các bạn nhớ chuẩn bị tập trung đoạn này), đó là:

Nếu trên đảo đã có tới 100 người có mắt mầu xanh, vậy thì kể cả những người mắt xanh cũng nhìn thấy sờ sờ 99 người mắt xanh khác trên đảo. Thông tin mà Guru nói với mọi người “Tôi thấy có người mắt xanh” thật sự lại là một thông tin mà ai cũng biết. Vậy tại sao trước khi Guru nói ra, mọi người lại chẳng ai thoát ra khỏi đảo được ? Thông tin mà Guru nói với mọi người, nếu không phải là “có người có mắt mầu xanh”, thì thực chất là thông tin gì ?

Giả sử Weiner là một người khác trên đảo, trước khi Guru nói ra, Weiner thấy rất nhiều người mắt mầu xanh. Tất cả mọi người khác trên đảo đều như Weiner. Tuy nhiên, Weiner không thể suy ra được những người khác có biết điều tương tự không, và kể cả họ có biết, thì họ có biết là Weiner biết hay không.

Như vậy, thực chất khi Guru nói ra thông tin kia, chỉ nhằm trả lời cho Weiner và cả đảo là :” Ồ, người khác cũng biết điều mình nghĩ tới, và họ cũng biết là mình biết”. Kể từ giờ phút đó, mọi người mới cùng nhau đếm, và cùng nhau chờ tới ngày thứ 100 để rời khỏi đảo.

Trong cuộc sống, những thông tin tương tự như thế này, dưới dạng “Tôi biết, bạn biết, tôi biết là bạn biết, tôi biết là bạn biết là tôi biết” … được gọi là common knowledge.  Lấy một vài ví dụ:

  • Bạn nam và bạn nữ thả thính nhau, cả 2 người đều thích người còn lại nhưng không ai dám tỏ tình. Cho đến khi tỏ tình thì thông tin 2 người thích nhau mới thành common knowledge
  • Một đồng nghiệp xấu tính, nói xấu sau lưng một người khác nhưng dưới dạng chat private message với từng người một trong công ty. Tuy nhiên thông tin này chỉ thành common knowledge khi người đồng nghiệp xấu tính đó chat trong group hoặc nói to về đói tượng họ muốn nói xấu trước mặt rất nhiều người.

Khái niệm common knowledge thực chất là một khái niệm về toán, và được phát triển rất sâu trong Game Theory , nhưng mình sẽ không bàn sâu vào phần đó. Một khái niệm phức tạp, nhưng không kém phần đẹp đẽ này, lại được ứng dụng rất nhiều trong Marketing.

3- Tại sao bản quyền bóng đá lại đắt như vậy ?

Việc phát triển mạnh mẽ của Facebook cũng như các mạng xã hội, đã khiến cho doanh thu của các hãng truyền hình bị thụt giảm nghiêm trọng. Budget của các công ty ngày càng dành miếng bánh to cho quảng cáo Facebook. Mình có lí do riêng để không dẫn link nhưng bạn nào tò mò có thể thử tìm hiểu xem tác động của mạng xã hội đến doanh thu của các hãng truyền hình như thế nào, và mình nghĩ VTV cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng này. Có thể do doanh thu bị sụt giảm + giá bản quyền tăng cao đã làm cho VTV ngần ngại, vì ước tính doanh thu quảng cáo chẳng bù lại nổi tiền mua phát sóng, chưa kể thêm bao nhiêu chi phí phát sinh thêm.

Mình không có nhiều thông tin để tính chi phí quảng cáo trên đầu người của Facebook so với quảng cáo trên truyền hình. Nhưng quảng cáo trên Facebook có lẽ sẽ là giải phát tiết kiệm hơn cho doanh nghiệp, khi họ chỉ cần target một nhóm đối tượng khách hàng nhỏ.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp, cho dù có quảng cáo Facebook tới hơn 40 triệu FB account ở toàn Việt Nam, thì mãi mãi mảnh quảng cáo đó chỉ là private knowledge. Vì những quảng cáo đó sẽ chỉ hiển thị trên màn hình của từng cá nhân, và họ không biết được những người khác có đang xem cùng không.

Nhiều năm trước, có một quảng cáo gây chấn động, lặp đi lặp lại vào đêm chung kết C1, đó là quảng cáo máy lọc nước Kangaroo. Ngay ngày hôm sau, mẩu quảng cáo annoying đó đã được viral , và trở thành một trong những quảng cáo thành công nhất mọi thời đại. Lí do là cho dù đêm hôm đó, mọi người có xem trận chung kết C1 một mình đi chăng nữa, thì bạn cũng sẽ biết là đồng nghiệp, sếp của bạn, bạn cùng lớp, thầy cô giáo bao nhiêu người nữa cũng đang xem và thấy annoying giống mình. Ngay sáng hôm sau , quảng cáo Kangaroo được nhắc đi khắp các trang mạng xã hội. Thành công của Kangaroo không phải đến từ việc quảng cáo kiểu annoying, mà thành công của Kangaroo là đến từ việc tận dụng được common knowledge: “Tôi xem, tôi thấy annoying, và tôi biết là bạn cũng thế”. 

 

Thực tế, trên thế giới, những giải đấu thể thao lớn là những cơ hội tạo ra common knowledge lớn nhất và dễ nhất. Ở Mĩ, doanh thu đến từ quảng cáo Superbowl của đài NBC lên tới hơn 400 triệu USD chỉ với 49 phút quảng cáo. Đấy cũng chính là lí do, các đơn vị cung cấp bản quyền những giải bóng đá này lại hét giá cao như vậy, họ biết, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức giá trên trời, để tạo ra common knowledge cho sản phẩm của họ, quảng cáo vào những giờ bóng lăn.

Vì vậy, quảng cáo trên mạng xã hội, cho dù có phát triển đến mấy, thì cũng không thể thay thế hoàn toàn quảng cáo trên truyền hình được. Nhưng mà các hãng truyền hình cũng nên dè chừng, năm vừa rồi, Snapchat cũng đã được chiếu live stream toàn bộ giải Olympic, biết đâu có khi 4 năm nữa Facebook lại chiếu live stream World Cup chưa biết chừng.

Quay lại chuyện Việt Nam, với phong độ hiện thời của đội tuyển quốc gia Việt Nam, bất kì trận đấu nào của đội tuyển đều có sự quan tâm chẳng kém gì Superbowl ở Mĩ. Hơn nữa, chỉ cần Việt Nam vượt qua vòng bảng, thì mỗi trận đều là trận chung kết. Mình tin là các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng trả nhiều triệu USD để có sự hiện diện của sản phẩm của mình, vào những phút giây vàng của bóng đá, nơi mà hàng chục triệu người đều đang hướng lên màn hình, đều biết là hàng chục triệu người khác cũng đang xem quảng cáo đó. Mình tin là nếu VTV chịu khó làm tốt, kèm theo doanh nghiệp tận dụng tốt “Common Knowledge” để tạo ra những quảng cáo đủ hay, thì người hậm mộ bóng đá Việt Nam từ sau sẽ không phải lo không có bóng đá để xem nữa.

 

Sao cuộc đời lại chán ?

Hôm nay có lịch 1 year review ở công ty mà mới ngẫm lại mình về Việt Nam đã gần được một năm rồi. Nếu nói về cảm nhận khi về Việt Nam thì với mình chẳng có gì phải phàn nàn, mình có một công việc mình yêu thích, có nhiều bạn bè để thi thoảng gặp gỡ tám chuyện bâng quơ, thi thoảng lại có được vài cuốn sách hay, nhưng cũng chỉ đọc được một vài chương đầu vì dẫu sao mình cũng chẳng còn thảnh thơi như thời sinh viên. Có một thứ, dạo gần đây mình mới để ý, mỗi khi gặp lại bạn bè, nhất là những người bạn lâu lâu mới gặp, khi sau cái câu :” Dạo này mày thế nào” thì nhiều người lắc đầu :” Chán lắm mày ạ”, hoặc “Chả có gì hay”… Thế là thế quái nào nhỉ, nếu cuộc sống của mọi người chán như vậy, thì cái gì mới là hay.

Tuần vừa rồi, mọi người lại ồn ào chuyện một chuỗi cafe đóng cửa. Mình thì lại lấy đó là chuyện bình thường, chuyện làm ăn kinh doanh lời thì mở thêm, lỗ thì đóng cửa bớt hoặc đóng cửa hẳn, nó tự nhiên như dòng nước chẩy từ chỗ cao xuống chỗ trũng vậy. Chuyện ấy giống như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thôi, mỗi ngày trôi qua ở cái đất Hà Nội này có hàng chục quán cafe mở mới hay đóng cửa, rồi thay tên đổi chủ thì nay 1 ngày họ đóng cửa chục quán liền cũng chẳng có gì là to tát, mà bạn nào biết thêm một chút về thị trường quán sá, sẽ biết nhiều lúc họ còn cố tình mở mới, đóng cửa cũ thật nhiều để thay đổi concept, làm cho mọi người thích thú hơn. Ngày, tháng, năm .. trôi qua, các quán cafe thay đổi, nhưng có một thứ chắc chắn tồn tại lâu hơn những quán xá ấy, và tiếp tục nuôi sống nó, đấy là chúng ta, những người uống cà phê.

Những người uống cafe, có nhiều lứa tuổi, tầng lớp khác nhau, họ đến vì nhiều lí do khác nhau, nhưng kha khá trong số đó ngồi ở đấy để giết thời giờ. Sẽ khó có cách nào giết thời gian rẻ, hiệu quả, mà lại đa dạng hơn việc uống cà phê.Ta chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn, ngồi xuống, nhấp một ngụm cà phê, rồi (có thể) rít mọt hơi thuốc, ngắm nhìn người người đi lại trên đường, thi thoảng lại quay ra nốt câu chuyện với bạn bè. Họ nói chuyện show bitch, chuyện chính trị, rồi quay sang công việc, gia đình, vợ con, chuyện tương lai, rồi bất giác, họ lại thở dài :” Chán nhỉ”. Vèo cái, đôi tiếng đồng hồ trôi qua. Ơ, họ có gia đình, có công việc, có những ngày ngồi cafe thư thả, vậy mà vẫn kêu chán, vậy cái gì thì mới là hay ?

Nhân tiện nói đến đoạn dòng nước chảy, mùa mưa bão sắp đến, nếu bạn nào chịu khó đi ra đường vào những buổi sớm ngày bão, sẽ vẫn thấy những người đi xe máy cố chở hàng qua cầu Chương Dương. Mọi người có thể nghỉ ở nhà, nhưng họ thì không. Họ có thể chống lại thiên nhiên, nhưng không thể chống lại số phận của họ khi mà gia đình họ có thể chết đói ngay lập tức nếu như không có thu nhập của ngày hôm ấy. Chỉ có những con người khó khăn, hoặc những người thực sự quyết tâm(hay một từ gì đó gần gần như vậy) , mới là người làm cho dòng chảy của nền kinh tế này tiếp tục. Còn không,  cách tốt nhất, và có khi là rẻ nhất để chôn vùi tuổi trẻ vẫn là ngồi quán cafe. Họ tự hỏi, những giờ phút ngồi kiểm tra chứng từ cho chuẩn xác, những lúc tấp nập làm hồ sơ tín dụng cho khách, những giờ dài ngồi lập trình cho xong sản phẩm, liệu những thứ ấy đã đủ thú vị chưa, hay đó lại là những thứ buồn chán.

Mà trong lúc chưa biết cái gì hay, chưa biết cái gì mới, thì họ vẫn cứ ngồi chờ đợi trong các quán cafe ấy, nộp tiền cho ông chủ như một cách để cho nền kinh tế tiếp tục chuyển động, biết đâu một ngày đất nước tự nhiên thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, họ lại có thứ gì đó hay ho để làm, có thứ mới để làm ăn, có khách hàng mới để phục vụ, kiểu vậy… Còn nếu không, thì họ lại tiếp tục ngồi đấy, trong cái bẫy trung bình của chính bản thân mình.

Trong đầu đầy ắp những con số rồi luận điểm để nói cho ra nhẽ, nhưng chắc chắn sẽ không nhiều người đọc và cố hiểu, chỉ muốn nhắn nhủ một điều là, nếu các bạn đang thấy chán, hãy làm gì khác đi, đừng để thời gian chôn vùi tuổi trẻ của mình.

Còn mình, thi thoảng cũng buột miệng, nhưng thực tình, chưa bao giờ thấy chán 🙂

Hũ mật – Honey pot

Hôm ấy đang trên lớp, thầy giáo tự dưng hỏi một câu:

– Bây giờ nếu tôi là một công ty to, rất nhiều người muốn phá phách, thì tôi phải làm thế nào ?. Ví dụ như Amazon, Alibaba luôn có hacker muốn tấn công server, làm thế nào để ngăn chặn được chuyện này ?.

Cả lớp xì xào, cũng có vài ý kiến qua lại, nhưng đều không hài lòng thầy. Thầy trả lời:

– Cho dù chúng ta có bảo mật đến đâu, thì vẫn có những hacker rất giỏi, thậm chí giỏi hơn chúng ta và chúng ta chẳng biêt chúng đến từ đâu cả. Có nhiều cách nhưng cách mà tôi thích nhất gọi là “honey pot”. Tôi sẽ cố tình tạo ra một vài server có điểm yếu, dụ hacker tấn công vào, trong thời gian đó sẽ xác định được hành vi của bọn chúng và ngăn chặn.

Nhẩm lại 36 kế, chẳng phải kế ấy trong Tôn Tử gọi là “giương đông kích tây” hay sao, nhưng mà mình thích cái từ “hũ mật” của thầy hơn, nghe vừa đơn giản mà lại giống như kiểu coi tụi chống phá là lũ ruồi bâu, chẳng đáng quan tâm.

————–

Bên này mình có chơi với một bạn người Ấn. 2 thằng chơi được với nhau là vì cùng là 2 thằng vừa mới học xong đã đi học master ngay, xêm xêm tuổi nhau. Nó thuộc dạng thiên tài, hồi xưa thi Olympic toán toàn Ấn Độ được điểm cao thứ 2 toàn quốc. 2 thằng bình thường vẫn ngồi học với nhau, mình hay chỉ cho nó mấy term về finance, còn nó dậy toán cho mình. Xong 2 thằng cũng ngồi học lập trình với nhau nữa vì riêng về khoản này thì ngu như nhau :)).

Phải 2-3 tuần liền trước hôm kết thúc kì học, ngày nào qua thư viện cũng thấy ổng ngồi nhìn chằm chằm vào một cái sơ đồ. Mình hỏi

– Cái gì đây

– Project môn Simulation.

– HÌnh như phải làm trên VBA phải không, kì trước t học 2 buổi bỏ luôn không dám học vì khó quá.

– Uhm, mày biết VBA không ?

– Bằng mày!!!- xong mình cười đểu phát, vì mình vẫn còn 2 cái project môn khác phải làm, nghĩ là kiểu gì nó chả xoay sở được, vì bây h nó đang học ít môn hơn mình.

——

1 tuần sau, cậu khoe, với mình:

– Ê , Công, tao được A môn đấy, thầy viết email hẳn cho tao.

Mình xem email thì đúng thật, thầy có email bảo thằng bạn là phần mềm nó viết có vài bug, nếu sửa lại thì sẽ được A ngay, thằng bạn mình sửa được, nhận được điểm A.

– Thích thế, mà lớp có 4 đứa học có khác, thầy làm customer service tốt thật, viết email cho cả sinh viên =)). Chắc để câu khách sang năm có nhiều em học hơn thì phải.

Nói chung hơi Gato tí vì kì học chưa kết thúc mà cậu đã có 1 con A rồi.

Hôm trước, vừa thi xong 1 môn, mình liền vác laptop ra thư viện, vừa ngồi bật máy lên FB một lúc chuẩn bị để học cho môn hôm sau nữa thi thì thằng bạn lại quay sang:
– Chết rồi mày ơi, thầy phát hiện ra tao chép bài không ghi nguồn, bây giờ phải làm sao ?.

– Đâu,như nào, thầy email ah, đưa đây xem nào.

Mở email ra thì nội dung đại loại là, phần mềm của thằng bạn mình và một thằng Trung Quốc có thứ tự biến chạy giống hệt nhau, kèm theo là có bug giống hệt nhau.Trong email còn kèm theo link nguồn của một phần mềm trên mạng, đề bài giống hệt project của thầy. Mình quay sang trách:

– Trời ơi, sao mày chép bài online mà không thay tên biến đi, thầy này nổi tiếng cáo già trong vụ tìm bug rồi. (Thầy giáo năm nay hơn 70 tuổi rồi, từng làm cho cả NASA, IBM các kiểu, nói chung là toàn dậy mấy cái siêu khó nhằn nên môn của thầy rất ít người dám học)

– T thay rồi, nhưng hôm trước có thằng Tầu nó ko làm nổi bài, thế là tao cho nó xem nguồn, ai dè nó chẳng thay đổi gì cả. Bây giờ thầy Fail tao môn này thì sao.

– Thôi bây giờ email xin lỗi thầy đi chứ biết làm sao, phải thành thật thôi, nhưng mà viết mail cố gắng nói giảm nói tránh đi tí cho thầy đỡ bực.

Thế là cậu ngồi soạn email, mình thì ngồi bên cạnh thở dài ngao ngán. :” Khổ thân mày quá, nếu tao là mày, có khi tao cũng chép, mà nếu tao bị như mày bây giờ, chắc tao không sống nổi mất”. Cậu vừa soạn cái mail xin lỗi mà vừa run rẩy, vừa viết lại còn vừa đọc to, đúng là lần đầu thấy cậu sợ đến mức độ vậy. Cái email ngắn tí mà phải chứa đến chục từ “sorry”, rồi “apologise”, rồi cả “extremly sorry” LOL. Thấy cậu viết một lúc , mình bảo:

– Thôi, mày đang bị choáng,viết cái mail còn không nổi nữa để tao viết lại email cho, chứ mày viết thế này thì thầy đọc xong cho mày fail chắc rồi.

Thế rồi mình sửa lại email cho cậu, lúc bấy mới có 9h 30, nhưng thôi bảo cậu về, chứ tình hình tâm trạng này còn hoc hành gì nữa.

Mấy hôm sau, thầy hạ điểm xuống từ điểm A còn có điểm C,  chắc là tên Tầu kia cũng thế. Cũng may là môn này có 2 project, project kia bạn mình làm full từ A tới Z nên vẫn còn vớt vát được một tí.

Nghĩ lại, chuyện này có khi cũng giống chuyện hũ mật. Có khi thầy cố tình cho cái đề, mà trên mạng có sẵn source code để sinh viên lao vào chép cũng nên :). Nếu mà thầy làm cái hũ mật như này thật thì đúng là thâm nho quá. ĐỊnh bụng kì sau học môn này nhưng thầy làm thế này có khi lại sợ không dám đăng kí nữa :(.

Silent risk

Vừa (bị bắt) đọc xong chương đầu của “Silent Risk” , làm mình nhớ tới một câu mà các cụ nhà ta ví von :” Mất bò mới lo làm chuồng”.

Ngày xưa nghe câu này, vón chỉ nghĩ đến một anh nông dân không biết vì lười hay vì coi thường trộm đến nỗi để nhà cửa hớ hênh để trôm dắt mất bò. Đấy là tội biết mà cố tình không làm.

Nhưng bây giờ mình mới hiểu thêm một lớp nghĩa nữa, không biết vì các cụ nhà ta thâm thúy hay là do mình tự suy ra. Hãy tưởng tượng một đất nước, một trăm năm, một nghìn năm chả có con bò nào bị mất thì người ta có quan tâm đến chuyện làm chuồng cho bò không.

Giống như các bậc phụ huynh tá hỏa khi phát hiện ra con mình nghiện ngập xong :” Ơ con tôi ngoan lắm, mười mấy năm nay nó có mắc lỗi gì đâu”
Giống như các công ty lớn mạnh hàng chục năm, lúc bị đối thủ mới cạnh tranh cho hết thị phần rồi mới quay ra :” Ơ, công ty tôi àm ăn tốt lắm, mấy chục năm nay tăng trưởng vẫn đều đều” – (said ELOP- Nokia’s CEO =)) ).
Giống như các tổ chức tài chính ngày khủng hoảng, thị trường sụp đổ rồi mới biết được nguyên nhân tại sao.

Giống kiểu nhiều nơi người ta vân vo gạo bằng nước bẩn, kiểu:
“Trăm năm nay mấy đời làng tui đều làm thế có aai bị sao đâu” xong đùng cái cả làng ung thư.

Giống kiểu người ta hay chặt phá rừng, dỡ ruộng làm sân gôn, đập hang động để xây cáp treo…

Nhiều lúc trong mỗi chúng ta, ai ai cũng đều quá tự tin vào kinh nghiệm của bản thân, tin tưởng vào những thứ mình đã thấy, đã quan sát. Những thứ mà chúng ta vẫn nghĩ là an toàn, nhiều lúc lại tiềm ẩn những hiểm họa không ngờ nhất. Những hiểm họa ấy vẫn sẽ giữ im lặng ( silent) cho tới một ngày nó lên tiếng.

The fool only understand the risk after the harm is done.

They can’t both be right. Market Effeciency and P versus NP problem.

Những người học tài chính chắc chẳng còn xa lạ với thuyết “thị trường hiệu quả” (market efficiency). Giải thích đơn giản của thuyết này là, thị trường luôn hoạt động theo cách mà không nhà đầu tư nào có thể kiếm lời được cả. Tùy vào mức độ mạnh yếu của thị trường hiệu quả mà ở dạng mạnh nhất ( strong form) thậm chí những nhà đầu tư nắm giữ thông tin nội bộ cũng không thể kiếm lời được. Khái niệm này gọi là “thuyết” bởi vì giới học tài chính còn cãi nhau vỡ đầu xem là thị trường hiệu quả có thực sự tồn tại không.

Vào năm 2007, Doran, Peterson, và Wright có làm một khảo sát 4500 giáo sư dậy tài chính, kết quả là

– 90% tin vào thị trường hiệu quả mức độ yếu (weak-form).

– 75% tin vào thị trường hiệu quả mức độ trung bình (semi-strong form)

– 40% tin vào thị trường hiệu quả mức độ mạnh (strong form).

Kết luận của mấy bác này là, hầu hết các giáo sư đều tin vào thị trường hiệu quả mức yếu và trung bình. Tất nhiên là chả mấy ai dại dột trả lời là tin vào thị trường hiệu quả mức độ mạnh rồi, bởi thị trường mà hiệu quả đến thế thì các bác còn đi dậy tài chính làm gì nữa. Năm 2010, Doran, Peterson và Wright có làm lại bản survey một lần nữa, nhưng tiếc là mình không có access được kết quả.

Thế là hết chuyện của các nhà tài chính .

Sang chuyện của mấy bác học Computer Science.

Mấy bạn học Computer Science chắc không hề lạ lẫm gì với khái niệm P và NP. Giải thích cũng khá lằng nhằng, nhưng đại loại

P (Polynomial Time) là những dạng bài toán có thể giải trong thời gian hữu hạn. Ví dụ :tính 5×6, 101 có phải số nguyên tố hay không … 

NP (Non-deterministic Polynomial time ) là những dạng bài toán mà nếu đưa ra lời giải thì có thể xác định được lời giải ấy đúng hay sai trong khoảng thời gian hữu hạn. Ví dụ : 24 có phải 4! hay không, 1 tỉ tỉ có phải là kết quả của 100! hay không … Đại loại những bài toán này nếu giải bình thường thì rất lâu nhưng nếu có một kết quả thì check xem đúng hay sai sẽ rất nhanh.

Dân Computer Science cũng cãi nhau vỡ đầu xem, P và NP có bằng nhau hay không. Vì nếu P= NP thì hầu hết những thứ gọi là “bảo mật” như thẻ tín dụng, bí mật quân sự, mật khẩu wifi … sẽ không còn bảo mật nữa, mọi “thiên tài” trên thế giới đều có thể nhân bản được, và người đầu tiên chứng minh được P = NP có thể ngay lập tức nhận được 7 triệu USD từ Clay Institute (http://blog.computationalcomplexity.org/2004/05/what-if-p-np.html). Còn rât nhiều điều thú vị xoay quanh P và NP nhưng không liên quan tới bài viết này lắm nên mình không đưa vào

Lại có một ông, tên là Gasarch, năm 2002 có phỏng vấn rất sâu 100 người và nhận được phản hồi như sau (http://www.cs.umd.edu/~gasarch/papers/poll.pdf)

– 9 người tin rằng P= NP

– 61 người tin là P# NP

– Những người còn lại không đưa ra ý kiến hoặc cho rằng vấn đề này không thể nào chứng minh được.

———-

Nhìn lại 2 bản survey, ta có thể tạm kết luận, dân tài chính thì tin rằng thị trường hiệu quả, còn dân Computer Science thì không tin vào P=NP.

Thế nhưng, một điều kiện quan trọng để thị trường hiệu quả xẩy ra là việc người ta nhanh chóng phát hiện ra được những chiến lược đầu tư hoàn hảo nhất trong thời gian tích tắc, đồng nghĩa với việc P = NP(điều mà dường như rất khó xẩy ra).

“Everyone who could appreciate a symphony would be Mozart; everyone who could follow a step-by-step argument would be Gauss; everyone who could recognize a good investment strategy would be Warren Buffett.” – Trích “http://www.scottaaronson.com/blog/?p=122

Như vậy, rõ ràng niềm tin của dân Finance và dân Computer Science đang bị mâu thuẫn, cho đến khi có lời giải chung cho cả 2. Hay nói cách khác :”They can’t both be right”. 

——-

Về cá nhân mình, thì mình không tin vào thị trường hiệu quả, nhất là khi đọc xong mấy tài liệu vỡ lòng của CS.

Mình không phải dân Computer Science, cho nên có thể nửa sau viết theo ý hiểu là chính, bạn nào thấy mình bị hiểu sai thì có thể chỉnh lại. 😀

Long-Term Capital Management.

Hôm trước kể chuyện ông Fama với ông Thaler cãi nhau, hôm nay lại kể chuyện liên quan tới một cặp đôi được Nobel khác. Đấy là ông Scholes với ông Merton, chủ nhân của giải Nobel kinh tế năm 1997 với mô hình Black-Scholes-Merton nổi tiếng. Thời điểm đạt giải Nobel, 2 ông này đang làm việc cho quỹ LTCM (Long-term Capital Management). Quỹ LTCM được thành lập năm 1993 và năm 1997 cũng là thời điểm quỹ làm ăn phát đạt nhất, lợi nhuận mỗi năm sau khi trừ tất cả các loại chi phí đi vẫn còn khoảng 20-40%. Tuy nhiên đến năm 1998 , quỹ này đã bị sụp đổ do biến động của thị trường.

Chiến lược chính của quỹ này chủ yếu là nhắm vào các mispricing rất nhỏ của các loại trái phiếu khác nhau trên thị trường và sử dụng đòn bẩy cao để tăng tỉ lệ lợi nhuận. Ví dụ quỹ đồng thời short trái phiếu chính phủ 30 năm (on the run) và long trái phiếu chính phủ 29 năm 9 tháng (off the run). Hai loại trái phiếu này có tính chất gần như tương đương nhau nhưng thông thường các trái phiếu off-the-run sẽ có giá thấp hơn do độ hot đã giảm dần. Lợi dụng quy mô lớn của quỹ, LTCM có thể huy động với lãi suất gần như LIBOR , chẳng khác gì một banking institution thứ thiệt và cũng kiếm lời từ nghiệp vụ swap.

Năm 1997 và 1998, thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á và khủng hoảng Nga, quỹ bị hứng chịu một khoản lỗ do chính phủ Nga default trái phiếu, từ khoản lỗ đó, quỹ phải đóng một loạt các position rất bất lợi cho mình, dẫn đến hiệu ứng thua lỗ dây chuyền. Riêng trong tháng 8 năm 1998, quỹ đã lỗ 1.85 tỉ USD.

Điều đáng nói là chiến lược đầu tư của LTCM vào thời điểm chưa sụp đổ khá kín kẽ, tiền ban đầu chủ yếu của các Partners và một số bên “được gọi là” nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên ở thời điểm sụp đổ, số tiêng 1.9 tỉ USD của các partner (gồm cả Scholes và Merton) đầu tư ban đầu vào quỹ đã tan thành mây khói.

Mình dùng từ “sụp đổ” đễ dễ diễn đạt nhưng thực chất quỹ này cũng đã được một số institution lớn giải cứu vào thời điểm cuối năm 1998 rồi tận nam 2000 mới chính thức shut-down nhưng cơ bản là các partner của quỹ đã mất trắng, chẳng còn gì cả.

Về số phận của founder LTCM (ông Meriwether ), cuối năm 1999, ông đã kêu gọi được một số vốn 250 triệu USD và vẫn đầu tư với chiến lược y hệt của LTCM, tuy nhiên quỹ này cũng hứng chịu một phen lỗ tới 44% từ 2007-2009 và cũng shut down vào tháng 7 năm 2009.

Người thầy

Vào một giờ Giáo Dục Công Dân lớp 7, chủ đề về tôn sư trọng đạo, cô giáo bước vào lớp với câu hỏi mở đầu:

– Các em thử nghĩ xem nếu không có thầy cô giáo thì chúng ta có thể biết đọc, biết viết khoonggggggg ?

Chữ “không” cô giáo kéo rất dài, báo hiệu việc cả lớp hãy đồng thanh trả lời, một thủ pháp sư phạm rất đơn giản. Cách đặt câu hỏi này rõ ràng là bảo các em trả lời là “không” rồi.

Thế là cả lớp đồng thành:

– Khônggggggóooooo ạ .

Tiếng “không” vang lên, nghe không được bùi tai lắm, vì lẫn một tiếng “có” bên trong. Cô giáo dừng lại nhìn vào cậu học sinh vừa trả lời có.

– Thế làm sao mà em có thể tự đọc tự viết được

– Dạ ông em dậy.

Cũng chẳng có gì bất ngờ,cô giáo đã dậy lớp này được nửa kì học rồi, cậu học sinh nổi tiếng nghịch ngợm ấy có trả lời kiểu phá đám như vậy cũng là chuyện bình thường,cô giáo trẻ tự nhủ :”Âu việc nhã nhặn và giải thích cho học sinh hiểu bài cũng là việc của giáo viên, mà mình đã chọn cách tiếp cận thế rồi” . Cô giáo vẫn giữ mặt bình thản, tiếp tục màn đối đáp:

– Thế thì không có thầy cô em có thể cộng trừ nhân chia được không ?

– Có ạ, em chưa đến trường đã biết cộng trừ nhân chia vì có ông dậy.

– Thế thì về nhà đi, không cần học nữa, để cho ông em dậy hết từ bây giờ đến đại học đi..

Cô giáo lên giọng một cách bực mình, cũng đầy uy lực. Cậu học trò tím mặt, biết là mình đã đùa hơi quá, ngoan ngoãn cúi gằm mặt xuống. Cô giáo bằng kinh nghiệm bấy lâu đứng lớp của mình, ngay lập tức lấy lại giọng dịu dàng, tiếp tục bài giảng.

– Hầu hết chúng ta …. (đã chuyển sang từ hầu hết , chắc muốn để loại cậu học sinh bướng bỉnh và hư đốn kia ra)…

Cô giáo kết thúc bài giảng thành công mĩ mãn,tiêu chí của thành công là bài giảng giống hệt với giáo án đã soạn ra,không bị cháy giờ nhưng cô đã vô tình để lại trong cậu học sinh nhỏ mà nghịch ngợm kia nhiều câu hỏi.

Ông cậu bé, thực ra là một giáo viên dậy Vật Lý và cũng là thầy thuốc đã về hưu, khi về hưu thì chỉ còn làm nghề thuốc. Cậu sống từ lúc 3 tuổi với ông bà, cùng một người anh họ hơn 2 tuổi. Thế giới của cậu ngày ấy chỉ là căn nhà và khoảnh sân bé của ông, trong trí nhớ của cậu ngày ấy chỉ là cảnh ngày nào cũng nhìn bà ngồi dùng dao kiều cắt thuốc. Thi thoảng cậu được bà dắt đi tới trường tiểu học ngay gần để đón anh đi học về, đoạn đường ngắn tí mà cũng giống như một chuyến thám hiểm vậy. Bà cõng cậu trên lưng, anh lớn thì đi bộ bên dưới chạy theo là một lũ bạn cùng lớp với ảnh, lần nào cũng vậy :” Bà ơi, bạn Quang hôm nay nói chuyện, bà ơi bạn Quang phải viết bản kiểm điểm”. Bà thì cũng nhận tiện hỏi thêm cho chi tiết, còn ông anh họ của cậu thì cứ cúi gằm mặt xuống, biết trước là sẽ hứng chịu một trận đòn no.

Thi thoảng cậu cũng được theo châm ông đi chữa bệnh, cậu đến nhà một anh béo, anh còn trẻ mà đã bị bệnh parkingson, đi lại khó khăn, nhưng cũng đi lên xuống cầu thang được, cậu bé thấy anh đi chậm, liền chạy đến kéo anh ý lên, anh đi lên đi, bước lên, bước lên… rồi lúc sau lại dắt xuống. Xuống đến nơi ông cười khà khà:

– 3 phút 12 giây, khá hơn lần trước.

Rồi ông châm cứu cho anh một lúc, ông nói chuyện thêm một lúc với mẹ của anh, rồi lại đèo cậu bé về. Về đến nhà ông lập tức mắng:

– Đến nơi, không chào hỏi gì cả, lần sau không cho đi nữa.

Vậy mà ông vẫn cho mình đi theo. Hôm ý, cả nhà đang ăn sáng để bà đưa cậu anh đi học, ông thông báo:

– Hôm nay cho C đi, ông có bạn cho cháu, mang cả sách vở đi.

Ông lại đèo cậu trên chiếc xe đạp, đến nhà một  bệnh nhân. Hóa ra bác ý có đứa con trai bằng đúng tuổi mình, ông ra bài cho 2 đứa rồi lại châm cứu, nhưng vẫn không quên nhắc

– Hai đứa ngồi thẳng lên, ngồi cúi thì bị gù rồi bị cận thị, nhưng ngồi tì vào bàn thì bị bệnh tim.

Đó là hôm đầu tiên cậu biết đến dãy số Fibonaci, tất nhiên là cậu làm sai bài đó rồi, nhưng vẫn nhớ đến tận lớp 5 cậu được cô giáo khen thông minh vì biết quy luật dãy số, nhưng chả tự hào gì vì  rõ ràng là cậu được ông chỉ cho từ trước, không công bằng với các bạn.

Rồi cũng đến ngày cậu được đi học, nói là đi học chứ thực ra chỉ là đến lớp chơi với bạn thôi, học sớm hơn chúng bạn một năm mà cái gì cậu cũng biết hết, lí do là ở nhà lúc ông dậy học cho anh thì cậu cũng ngồi nghe cùng. Lần này mỗi lần bà đi đón là đón cả 2 đứa, cậu bé không được cõng như xưa nữa mà là bà dắt mỗi đứa một bên đi bộ về. Nhưng thi thoảng trời mưa, đường đi bị lụt, thì cậu bé vẫn được bà cõng trên lưng, và cầm luôn cả cặp sách của anh, còn anh lớn hơn thì vẫn phải lội nước. Ông anh mặc dù đã lên tới lớp 2 rồi nhưng vẫn còn lũ bạn mách lẻo chạy theo mỗi giờ tan học, có điều khác là số lượng lần này đã tăng lên gấp đôi :

– Bà ơi, hôm nay bạn C nói chuyện, bạn C bị cô giáo nhắc, bạn C bị xuống phòng bảo vệ viết kiểm điểm vì không chép bài.

ĐÚng rồi, bạn nghĩ đúng rồi đấy, số lượng tăng gấp đôi là vì cả lũ bạn của ông anh và lũ bạn của thằng em đều học tập nhau … mách tội. Về đến nhà bà quát lớn:

– Chúng mày nằm úp lên giường cho tao, tại sao đi học hành kiểu gì mà ngày nào đi về cũng bị chúng nó chạy theo kể tội…

Rồi bà lấy cái roi mây … nói chung là đau.

Từ lúc đi học, cậu phát hiện ra thêm được rất nhiều bí mật mới mẻ. Một trong những bí mật đó là ông cậu luôn giấu những tờ lịch lẻ vào giữa những cuốn sách rất dầy, đây thực ra là thói quen lấy chính tờ lịch ngày hôm ý làm bookmark sách,takenote lên cả tờ lịch đấy để về sau đọc lại có thể nhớ chính xác mình đọc cuốn sách ấy vào ngày nào. Nhưng những tờ lịch lẻ đó lại có công dụng khác, làm giấy cắt dán. Hôm ý, 2 anh em làm bài tập cắt dán hình con cá, nhưng hết giấy mầu đỏ, thế là ông mở cuốn sách, tìm cho bằng đươc tờ bookmark chủ nhật, cắt phần số đỏ ra, dán vào con cá. Thật hoàn hảo. Làm cho cậu anh một con cá xong, ông cũng lấy tờ lịch ngày thứ, cắt một cái mắt cá mầu xanh làm cho cậu em.

Một lần ông dẫn 2 anh em đi cắt tóc, tính cậu em thì nhát hơn, nên thường là cậu anh cut tóc trước. Ông và cậu em ngồi chờ bên bàn cờ tướng. Ông bảo:

– Cháu nhìn này, đây gọi là con tướng, cháu xếp vào đây,

– Đây là con pháo, cháu tìm một con nữa y như thế này và xếp vào đây, vào đây.

Sau khi chỉ cho cháu xếp xong bàn cờ, ông cũng kịp chỉ luật xong cho cậu em. Đến lượt mình cắt tóc thì ông lại giải thích luật cho cậu anh. Lúc sau 2 anh em đều xong, đến lượt ông cắt tóc thì hai đứa ngồi chơi với nhau. Nhiều lúc cậu vẫn tự hỏi, biết đánh cờ tướng từ bé tí thế mà đánh với chúng bạn toàn thua, thực ra là cậu không giỏi đánh cờ nhưng lúc ấy thì cậu rất có hứng thú với món cờ này.

Hai anh em về nhà, quyết tâm chế tạo bàn cờ. Một tấm bìa carton vừa to để vẽ bàn cờ, một lũ hộp bánh dậu xanh bé tí cùng đống giấy thủ công dán ngược để viết tên quân cờ.

– Này, không biết bàn cờ bằng này cột đã đủ chưa nhỉ.

– Em thấy nó hơi dài, mà lần trước ông chỉ em xếp cờ đâu có giống vậy, chắc là phải chờ hôm nào đi cắt tóc rồi đếm.

– Vừa mới cắt tóc hôm trước mà, bao giờ tóc mới dài đây.

– Hay mày canh ông cho anh, để anh chạy qua hàng cắt tóc đếm.

Thế là cậu bé gật đầu, vì biết chắc ông đang bốc thuốc ở nhà trong, còn lâu mới xong. Lúc ông anh chạy đi thì cậu vẫn ngồi nhẩm nhẩm đếm đếm xem bàn cờ có bao nhiêu cột thì hợp lí. Được một lúc thì ông anh chạy về, chưa kịp thở đã lao ngay vào bàn cờ đếm đếm.

– Đây rồi, thừa một dòng, bảo sao trông cứ lạ lạ.

2 anh em xếp quân một lúc

–  Này trông bàn cờ vẫn khác khác, không biết bàn cờ có bao nhiêu hàng nhỉ.

– Mày lại canh ông cho anh.

Thế là anh vừa mới thở được một tí lại chạy tót ra khỏi cổng, nhưng mà lần này ông không bốc thuốc lâu đến thế, và cái roi da lại được sử dụng…tất nhiên là cả 2 đứa…

Bàn cờ thì hoàn thành nhưng 2 đứa chơi được mấy ván cũng chán, hình như là có trò mới.  2 thằng trẻ con ở với nhau thì lắm trò rồi, có hôm buổi trưa nắng chang chang, 2 đứa chờ ông bà ngủ say, ra ngoài sân bắt chuồn chuồn:

– Mày phải luyện đến trình độ đứng im xong chuồn chuồn nó tự đậu vào tay, xong vồ thật nhanh.

Chả hiểu sao ông anh thì lúc nào cũng bắt được còn cậu em thì không bao giờ thành công. Có hôm, 2 thằng học bài, ông thì bốc thuốc nhà trong, cậu anh bảo cậu em:

– Ê, đi vào nhà trong, lấy trộm của ông ít táo tầu với cam thảo, vừa học vừa ăn.

– Nhưng mà đang ngồi học lại đứng dậy.

– Thì mày giả vờ đi đái. xong chờ ông đi ra nhà trên thì lẻn vào lấy.

Cậu em nhận lời, lần trước ông anh đã đi đếm ô bàn cờ rồi, lần này đến lượt mình thực hiện nhiệm vụ thôi, đang rón rén bước vào thì gặp ông:

-Sao đi vệ sinh lắm thế

– Cháu bị đái rắt (trả lời khôn quá)

– Đái rắt ah,

Xong ông lấy cái bô, bảo:

– Ngồi vào đây, xem đái rắt như thế nào.

Thế là cả 2 lại ăn một trận đòn no. Lúc nào cũng vậy, tòng phạm không bào giờ được đứng ngoài cuộc.

Đến kì nghỉ hè, nhà ông đông vui hơn, vì có thêm 2 anh lớn (cũng là anh họ) tới ở, 2 anh lớn tuổi hơn hẳn, lúc ấy hai cậu nhỏ mới học lớp 1,2 mà hai ông kia đã học lớp 8,9. Và dĩ nhiên, lớn hơn thì mạnh hơn, mạnh hơn thì có quyền bức hiếp rồi.

2 cậu nhỏ thì vẫn ngủ với ông như thường lệ, còn hai cậu lớn thì ngủ với bà. Ông thật là biết lợi dụng trẻ con, lúc đầu thì dọa :” Ngủ với đàn bà học dốt”, thế là hai đứa chui tót sang giường ông ngủ. Sang ngủ thì ông mới dậy 2 đứa cách bóp đầu, bóp trán, và kể chuyện cổ tích cho hai đứa. Đến bây giờ, cậu nhỏ vẫn tìm mãi câu chuyện ông sư bụng phệ búng tóc (tóc của anh hiệp sĩ) xuyên qua thân cây và anh hiệp sĩ cao gầy kiếm dài có tài chém một nhát san bằng quả núi mà chẳng thấy ở sách nào, chẳng hiểu sao đêm nào ông cũng kể, mỗi hôm lại là một tình tiết mới, cũng li kì đến độ bánh kẹo thì biến thành muông thú, âm phủ thì mỗi viên gạch là một nốt nhạc … Có hôm ông còn có trò đếm cừu cao cấp:

– Hai đứa kể tên cho ông một trăm loài chim. Nhưng vừa kể vừa phải bóp cổ, không được dừng lại.

Thế là 2 đứa bé thi nhau kể, mãi không đủ một trăm, nhưng chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Hai ông anh lớn ngủ với bà, được làm những việc khó khăn hơn, đấy là nhổ tóc sâu. Cái cửa nhà ông bây giờ đã thành tấm bảng. Góc trên cùng là bảng điểm, cứ mỗi đứa làm đúng một bài thì được một điểm mười. Nhưng bài tập mấy đứa bé thì ít nên lúc nào cũng ghen tị, sao các anh lớn viết điểm mười kín cả bảng rồi mà mình vẫn chỉ có 2 số 10.

Nhờ có 2 anh lớn, 2 đứa bé được chứng kiến nhiều thứ hay và lạ trên đời.Hôm trời nắng chang chang, ông lấy ra trong tủ một cái kính lúp, biểu diễn đốt giấy, nhưng diễn một lần rồi lại cất đi, khóa tủ, không cho các cháu bắt chước.Cái tủ ý, chứa bao nhiêu những thứ hay ho, kính lúp, lắng kính, kính vạn hoa, nhưng mà hầu như cái gì mấy đứa cũng chỉ được ông cho sử dụng một lần,về sau mới biết, với một giáo viên dậy Vật Lý, thì mấy món đồ đó như kỉ niệm vậy, không thể để tụi trẻ con nghịch quá mà làm hỏng được  Có đêm, ông lấy lăng kính, chiếu đèn pin vào cho mấy đứa ngắm cầu vồng. Ngắm một lúc ông bảo, thôi ngắm đến đây thôi, đi ngủ sớm, mai dậy sớm ông cháu ta … ngắm sao. (sao lại ngắm sao ban ngày nhỉ)

Thế là sáng hôm sau, thằng bé nhất dậy sớm nhất, xong đến 2 anh lớn, còn ông anh bé thì dậy sau cùng mặt nhăn như khỉ bước ra, ông đã ngồi ở cái ghế tựa rồi:

– Kia là sao Mai, vì nó mọc lên lúc sớm Mai, nhưng buổi tối thì nó còn có tên là sao Hôm, có lúc thì được gọi là sao Kim. Một ngôi sao nhưng mà lại có nhiều tên.

Hai tay lớn rất hay được ông trọng dụng, toàn sai đi mua thuốc, lại còn được sử dụng cả xe đạp của ông, thỉnh thoảng còn được giúp bà cắt thuốc, được ông chỉ cho vị nọ vị kia. 2 thằng bé thì chẳng bao giờ được sai đi đâu cả, âu cũng vì còn bé quá, nhưng chắc có khi vì ông trọng dụng mà 2 tay này rất hay bắt nạt 2 thằng bé.Có những lúc, những cuộc đánh nhau nảy lửa xẩy ra. Nói là đánh nhau, nhưng chắc là có mỗi 2 thằng bé là nghiêm túc, lao vào tung hết các tuyệt kĩ trong mà 2 đứa học ở trong film ra, còn 2 ông lớn vừa trêu vừa đùa. Lớp 1,2 làm sao đánh được lớp 8,9. Nhưng lúc nào 2 thằng bé cũng có vũ khí tối thượng, đó là … mách bà.

(hết phần 1)

I used to (2)

Vừa mới đi nghe xong 1 cái hội thảo ở trường, qua thư viện để ngủ chờ vào lớp học tiếp theo thì full chỗ. Thời buổi midterm đang đến gần, đến cả chỗ ngủ cũng khó kiếm.Đành vào canteen ngồi vậy. Cũng đông, cũng có máy tính và ổ cắm, nhưng lại không ngủ được vì đầy mùi thức ăn xung quanh. Tiếng ồn thì mình chấp hết nhưng mà mình vốn không chịu được nhiều mùi. Đành viết tiếp câu chuyện lê thê hôm trước. 

Chào bác taxi xong,khệ nệ xách đồ vào thì được bác bảo vệ tòa nhà bảo là phòng cửa check in là cổng bên kia, nhưng cứ để đồ đấy cũng được, tí check in xong thì quay lại lấy. Thế là mình được một dịp đi vòng quanh tầng 1 trong tòa nhà. Có cả bếp chung, phòng học, sảnh xem tivi, bàn bi-a. Nói chung trông cũng sạch sẽ và thoáng đãng, nhưng mình cũng không bị bất ngờ lắm vì đã xem ảnh chỗ này chán chê từ VN rồi. Sang đến cổng bên kia thì ngoài 1 cái bàn bảo vệ thì có một cái bàn lễ tân, nhưng lúc bấy giờ đã là hơn 12h đêm rồi, mình phải chờ một lúc mới có bạn lễ tân đến để giúp check-in. Lễ tân cũng chỉ là sinh viên trong tòa nhà thôi, các bạn này làm thêm để kiếm thêm chút tiền lương khoảng (stippen) khoảng 500$/tháng. Bạn hỏi thông tin các thứ, lúc ý mới phát hiện ra là mình bị đến sớm 4 ngày vì trong hợp đồng là 24/8 mới bắt đầu đươc ở, nhưng lúc ý đã là rạng sáng ngày 20 rồi. Bạn cũng cho mình check-in nhưng có dặn thêm là vì đến sớm nên phòng sẽ không được ở tình trạng tốt nhất, có gì thì hãy điền vào cái form sau để người ta sửa/quét dọn”  và vì mình đến sớm nên sẽ bị charge fee 75$/ngày. Nhưng bạn ý sẽ thương lượng với tòa nhà xem sao, nếu được thì sẽ không phải đóng. Thực ra chả có cách nào khác là vui vẻ nhận lời thôi, bởi lẽ so với tiền đi tìm KS nửa đêm nửa hôm + mệt mỏi hết cỡ này thì 75$ / ngày cũng là ok rồi. Rồi bạn ý (tên Marco) chụp ảnh, ghi thông tin rồi in cho mình 1 cái chìa khóa phòng (giống chìa khóa khách sạn) và có ảnh mình trên chìa khóa luôn. Thực ra tên tòa nhà này là “….” Hotel, mình đoán ngày xưa nó là khách sạn, nhưng sau thời gian lâu chuyển đổi mục đích sử dụng để cho sinh viên thuê với giá rẻ hơn. Thực ra giá cả tuy rẻ nhưng vì sinh viên toàn hợp đồng dài hạn, công suất thuê nhà lúc nào cũng đạt trên 90%, lại là tài sản cũ nữa nên có khi còn doanh thu cao hơn cả làm khách sạn. Lúc lên phòng lượn qua tầng đếm số phòng, rồi lại lẩm nhẩm tính doanh thu, thì mới tự ngủ, 11 tầng, mỗi tầng hơn trăm đứa, thêm mấy dịch vụ gia tặng kiểu giặt là, bán nước nữa vậy là tháng doanh thu cả triệu USD rồi… Mua lại tòa nhà này cũng chắc phải hàng trăm triệu USD, giá cả ngang ngửa với mấy khách sạn hạng sang ở VN rồi.

Đến phòng thì cắm chìa rút ra mãi ko được, tự dưng cửa mở, hóa ra phòng đã có một người bên trong. Mở cửa ra là một bạn Trung Quốc, đang bận bộ pijama, chắc là đang ngủ. Thực ra cũng kì vọng là ở với 1 bạn nào mà ở nước nói tiếng Anh, như vậy thì sẽ tốt hơn, nhưng thôi kệ, cứ chảo hỏi đã. Bạn giúp mình vác bớt 1 cái vali vào rồi 2 đứa nói chuyện hỏi thăm. Bạn tên tiếng anh là Toby,tên tiếng Trung thì là Yu Zi Hao (chắc kiểu dịch sang thuần việt là Vũ Chí Hảo), học thiết kế thời trang ở TQ, sang đây chuyển tiếp 1 kì.

– Mới có mỗi cậu ở đây ah, vậy là phòng còn một bạn nữa chưa đến check-in đúng không.

– Uh, mà tớ ngủ giường này, nhưng cậu thích thì có thể đổi.

– Thôi, tớ ngủ đâu cũng được, chắc tớ ngủ giường trong góc kia cho yên tĩnh. Mà làm nào để hạ thấp giường xuống như cậu này.

– Tớ không biết, lúc đến thì nó đã như này rồi.

Nói chuyện thêm dăm ba câu thì mình mệt quá thôi lăn ra ngủ đã. Cũng không nhớ là lúc ý có bật máy lên ko nữa.

Bạn Toby này nhìn cũng gầy gầy, trông khá sáng sửa, nói chung là nhìn phát vẫn biết là TQ nhưng trông có vẻ thông minh hơn tụi TQ  bình thường. Ai nhìn người TQ nhiều thì sẽ phát hiện ra ngay vì mắt người TQ thường nhọn và xếch, nhưng mắt bạn Toby này thì đỡ, chắc cũng do đeo kính nhiều. Về phòng ở, phòng này là phòng 3 người, có 3 cái giường đơn (captain size) , có ti vi, tủ lạnh, lò vi sóng. Nói chung là mình cũng không thực sự quan tâm chỗ ở lắm vì chủ yếu mình về phòng là để ngủ, còn đa số thời gian thì ở bên ngoài.

—–

Sáng hôm sau thức dậy, khá sớm. Mở tung vali ra để kím bộ quần áo mặc đến trường, đồ đạc vẫn mặc kệ chưa pack. ngồi google map đường đến trường, chuẩn bị giấy tờ nhét vào balo rồi đi.

Việc đầu tiên là đến check-in ở trường. Công việc này chủ yếu là nộp các thể loại giấy tờ mà mình lúc apply còn thiếu, kiểu bảng điểm, bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ … để người ta photo. Lúc mình đến nơi là 8g, thì 9g mới mở cửa, đành đi loanh quanh. Ngay cổng trường là 1 quán starbuck, thế là sà vào luôn, ở VN ngày mở starbuck thì cũng là lúc mình sắp đi rồi, mà lần nào đi qua cũng đông kín, nên bây giờ cũng muốn thử xem sao. Lần đầu ăn uống hàng quán nước ngoài cũng có tí bối rối, mấy lần trước đi ra nước ngoài nếu không được dẫn đi thì toàn lao vào food court,mỗi món riêng một quầy, chả phải chọn lựa. Thôi thì cứ mua y hệt cái đứa đằng trước vậy.

– Bán cho mình 1 li abc xyz

– Size nào

– Hở (nghe ko ra, bạn nhân viên là người Mĩ gốc Phi, nghe giọng lần đầu)

Bạn ý giơ cái cốc ra, hỏi

– Bạn muốn cỡ này hay to hơn

– Cỡ này là được rồi.

– Bạn tên là gì

– Công, C O N G

Thế là bạn ý viết tên mình lên cái cốc và bảo mình thanh toán rồi ra bàn đợi. Đứng một lúc thì lấy được cafe, mình cũng ngồi lại, mở laptop ra check wifi thì wala , có wifi free bắt được cảu trường… Thế là ngồi đấy luôn cả tiếng, tiện thể ngắm nghía xem người ta ở đây đi uống cafe như nào. Nhưng có lẽ là sáng sớm, đúng giờ đi làm nên mọi người mua để mang đi là chủ yếu, ít người ngồi lại, bàn đối diện mìn có một bác ngồi check NYtimes, vài người ngồi ở chỗ cửa kính nữa. Đầu tư bán cafe ở đây sướng thật, quán thì bé tí, mà khách đông tấp nập, lại không mất tiền đầu tư bàn ghế chỗ ngồi, Khách uống xong lại biết điều tự dọn chỗ cho sạch, không mất công thuê riêng 1 nhân viên lau dọn nữa … và tất nhiên cũng không mất công thuê nhân viên bảo vệ trông xe, vì có ai đi xe tới đó đâu.

Cuối cùng cũng đến giờ check-in. Mở cửa ra tiếp mình là 1 bạn sinh viên người Trung Quốc, thấy mình (người đầu tiên) thì bạn :

– Ní hải, wei sờ má. a sờ bê.

– Xin lỗi cậu, tớ không phải người Trung Quốc.

– Chết, xin lỗi, cậu có mang bằng tốt nghiệp không …

Check-in xong mình lại xuống tầng 1 để làm thẻ sinh viên. Nhưng của đáng tội là 9h30 người ta mới mở cửa (chậm hơn chỗ kia 30 phút). Lại ngồi chờ, tranh thủ mở iPad ra tìm chỗ mở thẻ ngân hàng và mua số điện thoại. Một bạn nữ khác (lại người TQ) đang ngồi chờ quay sang hỏi:

– Wei sờ má, a sờ bê, WIFI, xyz…

DM, trong 15 phút, bị tưởng là TQ 2 lần …nhưng mà mình biết là hỏi wifi rồi, liền trả lời(bằng tiếng Anh):

– Đây, cậu vào mạng này nè, không cần mật khẩu đâu, với cả tớ không phải Trung Quốc.

Đến lúc sau thì phòng làm thẻ SV cũng mở, mình mặc dù đến chờ đầu nhưng kệ cho các bạn vào trước vì đang bận kiểm tra nốt đường đi đến ngân hàng.

Thủ tục làm thẻ cũng nhanh,mình đọc ID, chụp ảnh xoẹt 1 cái, thế là bạn sinh viên làm thêm ở đó in cho mình 1 cái lấy ngay trong 2 phút. Rất nhanh chóng. mỗi tội ảnh thì bị xấu xí vì vừa mới đi máy bay tơi bời hqua xong.

Xong xuôi(ko quên up ảnh khoe thẻ sinh viên mới lên FB) , đi ra ngân hàng làm thẻ ngân hàng nào, chứ cầm đông tiền mặt như này theo bị móc một phát thì xuất bản sách “Đừng chết ở NY” nhé Công nhé. Thủ tục làm ngân hàng chẳng có gì, nhưng mình cũng hỏi người ta là :” Bây giờ tao là học sinh quốc tế, muốn đầu tư chứng khoán ở bên này thì có được không” thì được trả lời là “Chỉ có công dân Mĩ mới được đầu tư”. Thực ra anh này nói chưa hẳn đúng lắm(chắc nghĩ mình gà), vì nếu muốn vẫn có thể đầu tư vào một số derivatives (phái sinh) để hưởng lời/lỗ y hệt như cổ phiếu đó, nhưng nghĩ lại thân phân công dân VN, muốn mua phái sinh thì cũng chẳng ai bán, với cả cũng chả có tiền, nên hỏi cho biết vậy thôi. Xong xuôi, mình nhận thẻ rồi đi ra ngoài nạp tiền vào thẻ. Hòa ra cái máy ATM bên này xịn thật, có thể nạp tiền vào tài khoản qua cái máy đó luôn. Cái này thì VN chưa có. Nhưng thực ra cũng chẳng đáng phàn nàn gì, vì thực ra công nghệ ý chắc cũng chẳng đến mức khó lắm, chỉ có là bây giờ ở VN rõ ràng là ngân hàng thì đông, khách hàng thì ít, đầu tư một loạt máy ATM mới cũng chẳng bõ bèn gì. Chính ra cứ bảo kinh tế thị trường càng nhiều player thì khách hàng càng có lợi cũng không hẳn đúng. Đôi lúc chỉ cần một vài player to thôi, thì đầu tư cho dịch vụ khách hàng cũng có thể vì đó mà được cải thiện. (thực ra nói xong câu này không biết có nên tự vả vào mồm mình không khi nghĩ đến đoạn dịch vụ Viettel, Mobi, Vina ở VN chất lượng như nào nhưng mà mình tin là ở VN mà có độ 20 nhà mạng điện thoại thì dịch vụ khách hàng chưa chắc đã được như bây giờ đâu ).

Thôi vào lớp học đã, đến đoạn đi mua sim điện thoại để lúc nào đấy kể tiếp.